
Đó là câu phát biểu của Tổng thống với các phóng viên về khả năng ân xá cho Edward Snowden, cựu nhân viên hợp đồng của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA), hiện tị nạn ở Nga trong tại buổi họp báo hôm 15/8.
Sau vụ rò rỉ thông tin làm rúng động Thế giới vào 2013, ông Trump từng nói rằng Snowden nên bị truy tố. Snowden bị cáo buộc ăn cắp tài sản chính phủ, truyền tin trái phép các thông tin quốc phòng và cố ý tiết lộ tài liệu tình báo mật cho người không được phép. Người này có thể đối mặt với mức án 10 năm cho mỗi tội danh, tổng cộng 30 năm tù.
Chính quyền Mỹ nhiều năm qua truy nã Snowden và muốn đưa cựu nhân viên tình báo này về Hoa Kỳ để xét xử về các cáo trạng công bố năm 2013. Snowden đã tiết lộ cho cả Thế giới thấy các chiến dịch do thám ở trong nước lẫn quốc tế do NSA thực hiện.
Luật sư người Nga của “kẻ phản bội” nói rằng Hoa Kỳ không nên chỉ có ân xá cựu nhân viên tình báo này mà còn nên hủy bỏ tất cả các cáo trạng vì ông Snowden không phạm tội. Ông Trump hôm 15/8 cũng nói thêm rằng ông nghĩ cả phe tả và hữu trên chính trường Mỹ đều chia rẽ về vấn đề của Snowden.
Tháng 6/2013, Snowden rò rỉ các tài liệu mật cho các nhà báo như Glenn Greenwald và Laura Poitras, qua đó tiết lộ chương trình do thám toàn cầu mà các cơ quan tình báo Mỹ và Anh điều hành. Thời điểm đó, Snowden giải thích về hành động của mình rằng: anh ta muốn nói cho Thế giới biết sự thật. Đối với Snowden, chương trình do thám quy mô lớn đối với những công dân vô tội là điều không thể chấp nhận được và công chúng cần phải biết về nó.
The Guardian và The Washington Post đã đăng tải những tài liệu đầu tiên liên quan đến chương trình giám sát người dùng Internet của các cơ quan tình báo Mỹ vào ngày 6/6/2013. Theo các tài liệu này, các công ty viễn thông lớn, trong đó có Verizon, AT&T and Sprint Nextel đã giao các bản ghi âm cuộc gọi của khách hàng cho NSA và Cơ quan điều tra Liên bang Mỹ (FBI). Hai cơ quan này cũng được tiếp cận trực tiếp tới servers (máy chủ) của Microsoft, Yahoo, Google, Facebook, Skype, YouTube, Paltalk, AOL và Apple.
Ngoài ra, những tài liệu mà Snowden tiết lộ cũng nói về một chương trình bí mật có tên PRISM, nhằm thu thập các bản ghi âm, video, hình ảnh, email và thông tin về kết nối của người dùng tới rất nhiều trang web.
Ban đầu anh rất cảnh giác khi đến Nga vì nơi này là pháo đài của kẻ thù. Tuy nhiên, sau 6 năm sống ẩn danh tại đây, Snowden quyết định sẽ gắn kết tương lai của mình tại Nga.
“Một trong những thực tế mà trước đây tôi chưa hề nắm bắt được chính là vẻ đẹp tuyệt vời của đất nước Nga và người dân rất thân thiện. Ban đầu tôi cũng quan ngại vì đây là pháo đài của kẻ thù, cách tôi nhìn nhận Nga dưới vai trò một điệp viên CIA, nhưng giờ thì khác”, Snowden cho hay.
Nếu trước kia thay vì phải sống cô đơn, bị cô lập và thường xuyên nghĩ rằng trên mọi con đường ở Nga đều có các đặc vụ Hoa Kỳ tìm kiếm, thì nay Snowden cảm thấy thoải mái khi không cần phải trùm khăn, mũ hay áo choàng để nguỵ trang.
“Kẻ phản bội” công khai xin tị nạn tại Nga vào ngày 12-7-2013. Theo ông Kucherena, một người gần gũi với chính quyền Tổng thống Putin và cũng là luật sư của Snowden thì anh đã bắt đầu làm việc tại một công ty lớn của Nga vào ngày 1-11-2013. Công việc của Snowden là hỗ trợ và phát triển một website lớn của nước này.